Kỹ thuật nuôi cua biển trong vuông tôm cũng giống như nuôi tôm, bạn cần cải tạo môi trường nước thích hợp cho nuôi tôm đúng thì cũng sẽ thích hợp nuôi cua, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm cua cùng ăn. Lưu ý là nuôi thêm cá phi để tạo nguồn thức ăn cá tự nhiên cho tôm.
Thông số nước thích hợp nuôi cua
Thông số nước nuôi cua sẽ giống với nuôi tôm, nên bạn cải tạo vuông nuôi lưu ý các thông số nước phù hợp nuôi tôm, nuôi cua
- Độ mặn nuôi cua biển: 15 phần nghìn
- Độ kiềm: từ 120
- PH nước: 7.5 – 8.5
Cua biển (cua bùn, cua Kiên Giang, cua Cà Mau) sống ở vùng ven biển, bùn đầm lầy, độ mặn nuôi cua biển từ 15 phần nghìn. Độ kiềm cao, khoáng cao cần thiết cho tạo vỏ cho cua. PH nước duy trì ở mức 7.5 – 8.5. Ở khu vực có nguồn nước gần biển, độ mặn cao thì sẽ ươm cua đạt hơn, nuôi nhanh lớn, cứng cáp hơn.
Chọn con giống nuôi cua
Con giống chất lượng, khỏe mạnh, sạch bệnh sẽ quyết định đến việc thả ương nuôi.
Giống cua lớn thì con cua sẽ đạt trọng lượng cao, có năm Tôm Sú Kiên Giang thả được mẻ giống cua lớn con, con nào cũng vào size 800 gram – 1kg, bắt rất mê! Tuy nhiên mình không biết con giống nào chất lượng, chủng loại nào mà phải đặt niềm tin vào trại ươm cung cấp con giống.
Ươm giống cua trước khi thả ra ao nuôi sẽ giúp tăng tỉ lệ sống khi thả cua. Ươm trong mùng vèo, cho ăn bằng cá tạp luộc 7 ngày, sau 7 ngày thì bung mùng vèo ra vào ao nuôi, thì cua sẽ tăng tỉ lệ sống, đạt đầu con hơn.
Thức ăn nuôi cua biển
Thức ăn nuôi cua biển trong vuông tôm sẽ gồm thức ăn trong tự nhiên là chủ yếu. Cua thích ăn cá tạp, cá sống trong môi trường như cá phi, ốc gạo, động vật phù du, tôm, tép, giáp xác hai mảnh như hến, thôn, ốc đinh… Trong trường hợp thả cua quá đạt, cua thiếu thức ăn, cua sẽ ăn thịt luôn tôm, hao hụt tôm trong vuông tôm. Đạt cua thì sẽ hao hụt tôm. Cần bổ sung nguồn thức ăn cho cua biển ở ngoài vào gồm: ốc đinh bắt ngoài biển, ngao châu hai mảnh. Chính vì thức ăn từ là nguồn thiên nhiên, con người chỉ tác động vào việc thả giống, cải tạo nguồn nước đủ độ kiềm, ph, nên cua biển nuôi trong ruộng lúa được xem như cua biển thiên nhiên.
Thức ăn là điều kiện quyết định con cua có nhanh lớn hay không. Nếu vuông thiếu thức ăn thì cua sẽ chậm lớn, nhỏ con, cua gạch sẽ lâu có đủ gạch.
Cải tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cua, tôm
Để cải tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho vuông cua thì trước tiên bạn phải cải tạo thông số nước đạt chuẩn trước. Vì nước chưa đạt chuẩn thì mọi nỗ lực cải tạo sẽ vô nghĩa, đây là lỗi mà rất nhiều người nuôi gặp phải khi nuôi tôm sú, nuôi cua biển trong vuông tôm.
Khi thông số nước đã đạt rồi thì cần bổ sung Dolomite để cung cấp nguyên liệu cho tảo phát triển, tảo phát triển sẽ là nguồn thức ăn cho những con động vật phù du, ốc gạo,.. làm nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm cua.
Nguồn thức ăn bổ sung:
- Nuôi thêm cá phi, cá phi sẽ dọn sạch rong ở bùn đáy, đồng thời là nguồn thức ăn cho con cua.
- Rải thêm ốc đinh, ốc quắn xuống ao, cua, tôm sẽ ăn ốc đinh (ốc quắn). Bạn không cần phải xay nghiền vỏ. Cua tôm lớn vẫn có thể ăn được.
Nuôi ốc đinh để tạo nguồn thức ăn cho tôm sú, cua biển
Đây là kỹ thuật được nhiều nông dân tại nuôi tôm theo mô hình quảng canh chia sẽ lại. Cách làm rất đơn giản, vào vụ trồng lúa, sau khi dặm lúa xong thì chúng ta rải ốc đinh xuống ruộng lúa để nuôi. Rải 100 kg thì sau 2 tháng lúa ốc đinh sẽ phát triển, sinh sản thành 1000kg. Những con ốc này tới vụ tôm sẽ làm nguồn thức ăn tự nhiên cho cua tôm. Thay vì phải mua để thả vào vuông với giá 5000 – 7000 đ/kg ốc đinh.
Rải ốc đinh vào đầu vụ nuôi tôm, nuôi cua
Trước vụ nuôi tôm nuôi cua thì đặt mua ốc đinh rải vào ruộng trước để làm nền, mỗi công khoảng 50-100kg. Ốc sẽ sinh sản, sống ở trên ruộng. Tôm cua lớn sẽ có nguồn thức ăn tự nhiên.
Lưu ý: việc bổ sung ốc đinh vào vuông sẽ có rủi ro cao về dịch bệnh cho tôm. Vì ốc đinh sống tự nhiên ở ven sông, ven biển, không may mang mầm bệnh đốm trắng, còi thì sẽ rất nguy hại cho vuông tôm. Và bị nhiễm bệnh thì hầu như vụ trông sẽ mất trắng. Cua thì ít bệnh, nhưng tôm thì sẽ dễ nhiễm bệnh nên bạn phải cân nhắc khi rải ốc đinh vào ao nuôi. Tỉ lệ 50%/50.
Cua biển nuôi mấy tháng
kỹ thuật nuôi cua biển trong vuông tôm sẽ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông tôm, nên thời gian lớn của cua phụ thuộc vào mật độ nuôi, và nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông tôm mà bạn cải tạo được. Thông thường cua sẽ tăng trưởng từ size hạt tiêu đến lớn thu hoạch 3-4 con/kg trong vòng 4 tháng nuôi cua biển tự nhiên trong điều kiện thức ăn cá tôm dồi dào.
Nuôi cua thịt
Cua thịt là chỉ những con cua đực, nuôi lớn lấy thịt, cua đực để phân biệt thì sẽ xem phần yếm cua, yếm có hình tam giác trông giống chữ “Y” nên gọi là cua Y. Cua y sẽ phân thành nhiều loại size theo trọng lượng 250gram, 330 gram, 500 gram (Cua y tứ, cua y 3, cua y 5). Cua y tứ thì có cua y tứ don, cua y tứ đạn. Cua còn lại không đủ thịt thì gọi là cua dạt. Cua dạt thì nhà vuông sẽ không bắt bán mà sẽ thả lại để cho đủ trọng lượng, đủ thịt bán có giá trị hơn.
Nuôi cua gạch son
Cua gạch là con cua cái, quá trình trưởng thành con cua cái sẽ lớn thành con cua yếm vuông (yếm hình vuông) ở gia đoạn con cái tơ, chưa trưởng thành. Ở giai đoạn này con cua yếm vuông có trọng lượng nhỏ khoảng 200 gram, có gạch màu vàng, ăn rất thơm. Con cua có tốc độ di chuyển nhanh nhẹn nhất trong các loại cua. Nhưng ở giai đoạn này cua bán không có trọng lượng bao nhiêu, bán rất uổng, nên nhà vuông sẽ thả lại để cho con cua yếm vuông lớn trưởng thành con cua gạch mới bán sẽ được giá cua gạch hơn.
Trải qua 1-2 lần lột xác, cua yếm vuông sẽ lớn hơn, trưởng thành trở thành con cua gạch (gạch son là trứng của con cua cái). Cua gạch mang giá trị kinh tế cao nhờ gạch son của con mua mang nhiều giá trị dinh dưỡng, được nhiều người thích ăn gạch. Nên cua gạch lúc nào cũng có giá trị nhất trong các loại cua.
Cua gạch thì cũng có những giai đoạn phát triển gạch, gạch chấm mới phát triển nhỏ ít gạch, gạch chưa đầy, gạch đầy. Khi bắt cua tại vuông, thì nhà vuông sẽ lật yếm cua, nhìn sâu vào trong xem đủ lượng gạch chưa, nếu chưa thì sẽ thả lại. Bằng kinh nghiệm thì có thể dùng tay để kiểm tra yếm, yếm mềm thì sẽ thả lại, yếm cứng thì sẽ bắt, con nào trọng lượng chưa đủ cũng sẽ thả lại. Còn nào nghi ngờ không rõ là có đủ gạch hay chưa thì nhà vuông sẽ dùng đèn soi gạch, hoặc dùng vật nhọn để hé một khe hở nhỏ nhìn vào lượng gạch bên trong mình con cua, không thấy gạch hoặc thấy ít sẽ thả lại cho nó tiếp tục ăn và vào gạch, bắt vào dịp sau.
Thu hoạch cua biển như thế nào
Tại trại tôm của Tôm Sú Kiên Giang, chúng tôi thu hoạch cùng với tôm, khi bắt tôm, cua sẽ vào lú của tôm. Và thu hoạch bằng bẫy cua, dùng thức ăn là cá để bẫy cua biển và đi thăm vào buổi sáng sớm và tối.
Nuôi cua biển quảng canh
Nuôi cua biển quảng canh sẽ ăn theo mô hình nuôi tôm sú quảng canh. Kết hợp nuôi tôm và nuôi cua. Trong trường hợp bạn chỉ muốn nuôi cua quảng canh duy nhất, vẫn có thể cân nhắc. Theo kinh nghiệm của chúng tôi nuôi tại vuông của Tôm Sú Kiên Giang thì ở ao có độ mặn cao từ 15-20 phần nghìn sẽ đạt hơn. Độ kiềm cao, gần biển, có nhiều thức ăn tự nhiên cá, hai mảnh.. Hiệu quả kinh tế con cua cũng cao hơn con tôm, nhưng thu hoạch bắt từng con trói thì rất cực.
Tăng vụ nuôi cua trong ruộng lúa
Hy vọng qua bài viết hướng dẫn nuôi cua biển này sẽ giúp ích được bạn có được những kỹ thuật nuôi cua biển trong vuông tôm hữu ích. Tương tự như những mô hình nuôi cua biển khác
Bài viết liên quan:
Nuôi cua trong ruộng lúa
Nuôi cua biển trong hộp nhựa
Kinh doanh cua biển